Tư tưởng kinh tế sơ khai Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế

Những cuộc trao đổi sớm nhất về kinh tế học có từ thời cổ đại. Khi đó, và cho tới cuộc cách mạng công nghiệp, kinh tế học không phải là một ngành khoa học riêng rẽ mà là một bộ phận của triết học. Ở Athens cổ đại, một xã hội dựa trên chế độ sở hữu nô lệ đồng thời với nền dân chủ thị dân, cuốn sách Nền cộng hòa của Plato đã có đề cập tới lao động và sản xuất. Nhưng học trò của ông Aristotle mới bắt đầu đưa ra những lập luận rõ ràng và quen thuộc, hiện vẫn còn được dẫn lại trong kinh tế học.

Aristotle

Tác phẩm Chính trị học (khoảng 350 trước công nguyên) của Aristotle chủ yếu phân tích những hình thức khác nhau của nhà nước (quân chủ, quý tộc, lập hiến, độc tài, tập đoàn trị, dân chủ) như một phê bình với những ủng hộ của Plato dành cho một giai cấp thống trị bao gồm "các vị vua về triết học". Riêng với các kinh tế gia, Plato vẽ ra một xã hội dựa trên cơ sở sở hữu chung về các nguồn lực. Aristotle coi mô hình này thực chất là kiểu chính quyền tập đoàn trị đáng lên án. Trong Chính trị học, quyển hai, phần năm, ông lập luận rằng,

Tài sản trong một số trường hợp nhất định có thể sở hữu chung, nhưng nhìn chung phải là sở hữu tư nhân; vì mỗi người đều có lợi ích khác nhau, sở hữu tài sản tư nhân sẽ khiến mọi người không phải than phiền về nhau và có thể tiến bộ tốt hơn vì mỗi người tự xử trí lấy công việc và tài sản của mình… Hơn nữa, lòng tốt giúp đỡ bạn bè, các vị khách hay những người đồng sự mang tới sự hài lòng lớn, mà một người chỉ có thể làm được như thế nếu có sở hữu tài sản cá nhân. Những lợi ích này mất đi dưới sự hợp nhất cực đoan về tài sản từ nhà nước.

Dù Aristotle chắc chắn cũng ủng hộ nhiều thứ phải được sở hữu chung, ông lập luận rằng mọi thứ không thể là sở hữu chung, đơn giản vì "bản chất độc ác của con người". "Rõ ràng tốt hơn là tài sản phải thuộc sở hữu tư nhân", Aristotle viết, "nhưng việc sử dụng cho mục đích chung, và một số ngành nghề đặc biệt cũng cần sự sở hữu tài sản chung mà các nhà lập pháp phải ấn định". Trong Chính trị học, quyển 1, Aristotle thảo luận về bản chất chung của hộ gia đình và trao đổi trên thị trường. Với ông, có những hoạt động nhất định thuộc về một kiểu "nghệ thuật làm giàu". Tiền bạc chỉ có mục đích duy nhất là trung gian cho sự trao đổi, nghĩa là bản chất tiền bạc "vô giá trị... không hữu ích theo nghĩa là một phương tiện cho các nhu cầu cần thiết của đời sống".

Tuy nhiên, vì tính phương tiện của tiền, nhiều người bị ám ảnh bởi việc tích tụ tiền bạc. "Làm giàu" cho một hộ gia đình là việc "cần thiết và đáng vinh danh", trong khi chỉ đơn giản tích tụ tiền bạc vì sự ảm ảnh là "thiếu danh dự". Aristotle cũng là một người phản đối việc làm giàu bằng các phương tiện độc quyền.

Thời Trung cổ

Thomas Aquinas (1225-1274) là một nhà thần học người Ý và là một tác giả về các vấn đề kinh tế. Ông giảng dạy ở cả đại học Cologne và đại học Paris, và là một thành viên trong nhóm các học giả Công giáo La Mã trường phái Triết học kinh viện, những người không chỉ tranh luận về thần học, mà đưa các vấn đề sang cả địa hạt triết học và khoa học. Trong tác phẩm của ông, Summa Theologica, Aquinas nêu ra ý tưởng về giá cả công bằng, mà ông cho rằng cần thiết để tạo ra một xã hội trật tự. Có nhiều điểm rất giống với khái niệm hiện đại về sự cân bằng trong dài hạn, giá công bằng được coi là giá vừa đủ để bù đắp cho các chi phí sản xuất, bao gồm việc trả lương cho người lao động đủ nuôi sống bản thân và gia đình. Ông lập luận sẽ là vô đạo đức nếu người bán nâng giá đơn giản vì người mua có nhu cầu bức thiết cho một sản phẩm.

Aquinas trao đổi về nhiều đề tài thông qua hình thức hỏi-đáp, trong đó có một phần đáng kể bàn luận về học thuyết của Aristotle. Những câu hỏi 77 và 78 trong Summa Theologica liên quan tới các vấn đề kinh tế, chủ yếu là giá công bằng, và sự trung thực của người bán trong việc phân phát các hàng hóa bị lỗi. Aquinas lập luận chống lại bất cứ hình thức lừa gạt nào về đề xuất phải trả đền bù đi kèm với hàng hóa bị lỗi. Trong khi luật của con người có thể không xử lý được những giao dịch bất công, những kẻ lừa gạt vẫn sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chúa, theo quan điểm của Aquinas. Một trong những nhà phê bình chính của Aquinas là Duns Scotus (1265-1308) với tác phẩm Sententiae (1295).

Gốc gác ở Duns, Scotland, ông dạy ở các đại học Oxford, Cologne và Paris. Scotus cho rằng có thể tính được giá công bằng chính xác hơn so với đề xuất chỉ về mặt ý tưởng của Aquinas, dựa trên chi phí lao động và các chi phí khác, dù ông thừa nhận chi phí khác là khó định lượng vì người mua và người bán thường có suy nghĩ khác nhau về việc thế nào là giá công bằng. Nếu các bên tham gia không được hưởng lợi từ giao dịch, theo quan điểm của Scotus, họ sẽ không tiến hành trao đổi. Scotus cũng bênh vực các thương buôn vì họ có vai trò hữu ích và cần thiết cho xã hội, vận chuyển hàng hóa và đưa chúng đến cộng đồng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Lịch_sử_tư_tưởng_kinh_tế http://socserv2.mcmaster.ca/~econ/ugcm/3ll3/veblen... http://www.dictionaryofeconomics.com/article?id=pd... http://www.lewrockwell.com/rothbard/rothbard200.ht... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://anarchism.pageabode.com/pjproudhon/system-o... http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,8... http://www.youtube.com/watch?v=UzhD7KVs-R4 http://www.youtube.com/watch?v=jNgfIH5pyxg http://www.youtube.com/watch?v=muUjNWIeDZg http://homepage.newschool.edu/het//profiles/malthu...